Một chỗ làm 8 tiếng đồng hồ trong phòng máy lạnh với công việc ổn định dường như không còn đủ sức hấp dẫn đối với giới trẻ. Không ít người hiện nay chọn những công việc thậm chí là lao động chân tay để có tự do và thu nhập khá.
Bỏ việc văn phòng, cử nhân đi chạy… xe ôm
Trần Tuấn Tr., sinh năm 1990 là nhân viên xuất nhập khẩu một công ty thiết bị máy móc tại Thủ Đức, TP HCM. Tr. bỏ việc, gia nhập giới “xe ôm công nghệ”. Với chiếc Wave Anpha, Tr. rong ruổi khắp các nẻo đường TP chở khách kiếm sống. Mỗi sáng, Tr. bắt đầu công việc bằng cách mở ứng dụng đặt xe lên lúc 8-9h.
Hôm nào đông khách, công việc kết thúc lúc 10h đêm, thậm chí có hôm tới nửa đêm. Hôm nào vắng khách hoặc có việc, Tr. tắt ứng dụng từ buổi chiều. Hôm nào mệt, bệnh hoặc đi chơi, về quê, Tr. tự cho mình “nghỉ việc”.
Tr kể: “Trước kia, em đi làm vị trí xuất nhập khẩu hàng, lương tầm 8 triệu đồng, gửi về quê cho ba mẹ trả nợ nuôi em học mấy năm đại học và nuôi ba mẹ hết 4 triệu đồng/tháng. 4 triệu đồng còn lại sống quá chật vật.
“Cày” nhiều khi mệt, ốm cũng không dám nghỉ. Chạy xe ôm công nghệ trung bình một ngày chịu “cày” 10 tiếng, nhận từ 15- 20 cuốc, trừ xăng xe, ăn uống, em dằn túi tầm 300- 400 ngàn đồng. Tuy có mệt, có cực, nhưng bù lại tiền xông xênh hơn, thời gian cũng tự do, ốm, mệt hay về quê thoải mái nghỉ ngơi”.
Tr. không phải là trường hợp duy nhất có bằng cử nhân, từng đi làm tại các công ty với mức lương ổn định nhưng bỏ ngang sang nghề xe ôm công nghệ. Giới xe ôm công nghệ còn có những trường hợp nhân viên kinh doanh các công ty bất động sản, nhân viên kế toán, thậm chí cả giáo viên, kĩ sư…
Nhiều người thời gian đầu, sáng làm văn phòng, tối chạy xe ôm công nghệ, nhưng sau đó, cân nhắc thiệt hơn về kinh tế nên cũng nghỉ hẳn để làm xe ôm. Anh Nguyễn Minh K., từng là giáo viên dạy thể dục tại một trường dân lập trên địa bàn TP HCM chia sẻ, ban đầu, khi quyết định nghỉ dạy chạy xe ôm, anh cũng buồn và chạnh lòng lắm.
Đang gắn bó với đám học trò nhỏ, một thầy hai thầy, được mọi người tôn trọng. Chạy xe ôm bạc mặt ngoài đường, gặp đủ kiểu khách hàng, trong đó có không ít người khó chịu, hạch sách, thô lỗ…, nhưng vẫn phải chấp nhận, khi thu nhập chạy xe ôm công nghệ gấp đôi nghề giáo. Có thế mới nuôi sống được gia đình nhỏ.
Đâu là giá trị thực sự của công việc?
Trên một diễn đàn dành cho giới trẻ mới đây, thật bất ngờ khi một cuộc khảo sát đưa ra về mong muốn nghề nghiệp, kết quả cho thấy rất nhiều các bạn trẻ bây giờ thích chọn làm phục vụ, mở xe bánh mì, bánh tráng trộn, café lề đường hơn là đi làm văn phòng. Dù không ít trong số đó đã có bằng cử nhân hẳn hoi.
Một số bạn trẻ đưa ra lý giải: Mục đích của việc đi học đại học cũng là kiếm ra tiền, làm giàu. Thay vì ngồi vào văn phòng ngày 8 tiếng cùn mòn tuổi trẻ, cứ lặn lộn đi làm phục vụ, rồi tự khởi nghiệp cho mình. Một xe bánh mì, quầy bánh tráng trộn hay quán café cóc còn thu nhập cao gấp mấy lần và tự do hơn nhân viên các công ty lớn.
Theo chuyên viên tâm lý Lê Thị Minh Nga của Tổng đài 1088 TP HCM, đúng là đã có sự chuyển dịch trong suy nghĩ của nhiều bạn trẻ thời nay. Nếu như thập kỉ trước, việc được vào làm ở một công ty, một văn phòng máy lạnh là mơ ước của đa phần giới trẻ, thậm chí các gia đình sẵn sàng “chạy” cho con vào các vị trí ấy dù lương thấp, thì nay người trẻ đã có những suy nghĩ thực tế hơn khi nhìn nhận thẳng vào lợi ích mà công việc mang lại cho mình.
Tuy nhiên, cách lựa chọn này cũng có hai mặt của nó. “Một mặt, nó khiến người ta bắt đầu nhìn nhận lại thực tế rằng bằng đại học không còn là con đường duy nhất để thay đổi cuộc sống. Mặt khác nó cũng khiến các bạn trẻ đôi khi “lạc lối” trên đường đi của mình.
Bởi vì một khi quá đặt nặng lợi ích vật chất, các bạn trẻ sẽ không nhìn nhận được những giá trị khác của mỗi một công việc mà mình đang đeo đuổi, không thấy rõ được cái được và cái mất. Ví dụ, bạn so sánh giữa việc làm xe ôm công nghệ với nhân viên văn phòng, xe ôm công nghệ thời gian tự do và thu nhập cao hơn.
Nhưng đằng sau đó là hiểm nguy về tai nạn, là hao tổn sức khỏe cho những ngày bạc mặt trên đường. Hoặc làm phục vụ, bán bánh mì, café, bạn có thu nhập tốt, nhưng cái bạn mất đi đó là những giá trị thụ hưởng, những mối quan hệ xã hội và quan trọng hơn là sự trau dồi năng lực chuyên môn khi bạn làm việc văn phòng đúng sở trường của mình”, chuyên viên tâm lý Lê Thị Minh Nga lý giải.
Vì thế, chuyên viên Lê Thị Minh Nga nhấn mạnh: “Câu chuyện về lựa chọn công việc ở đây, có lẽ nên đặt lại vấn đề: Nên cân nhắc lựa chọn không phải với tiêu chí thu nhập được đặt ra hàng đầu, mà nên cân nhắc rằng công việc ấy có phù hợp với kế hoạch đường dài, với sở trường, với ước mơ của bạn hay không? Đó mới là điều quan trọng đối với những người trẻ tuổi”.
Nguồn: Int