5 yếu tố khiến tim suy yếu ở những người trẻ tuổi

Bệnh tim mạch đang có xu hướng gia tăng ở người trẻ tuổi nhưng đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này?

Các bệnh về tim mạch trước đây được coi là bệnh của người già. Thế nhưng những năm gần đây, số người trẻ tuổi mắc bệnh tim mạch đang có dấu hiệu gia tăng.

Một nghiên cứu được thực hiện tại Mỹ, đăng tải trên Tạp chí JAMA Network Open vào năm 2022, cho thấy có sự gia tăng các ca đau tim ở những người dưới 55 tuổi, đặc biệt ở nữ giới.

Theo tờ Times of India (Ấn Độ), những ngày đầu tháng 6, 3 ca tử vong do bị đau tim đã được đưa tin rộng rãi ở quốc gia này. Đó là Gaurav Gandhi – bác sĩ tim mạch 41 tuổi, một người đàn ông tử vong ở tuổi 52 khi đang chơi cầu lông và diễn viên nổi tiếng Mike Batayeh của bộ phim Breaking Bad (Mỹ) cũng qua đời ở tuổi 52. Tất cả các ca bệnh này đều có một đặc điểm chung: Họ không có tiền sử mắc bệnh tim.

Theo đó, tờ Times of India đã đưa ra 5 yếu tố khiến cho bệnh tim gia tăng ở người trẻ, đó là:

1. Béo phì

Cân nặng là nguy cơ tiềm ẩn nhưng lại ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe trái tim. Trong một báo cáo, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết bệnh tim có thể gặp ở bất cứ độ tuổi nào nhưng những người từ 35-64 tuổi bị béo phì sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn.

Béo phì đang có xu hướng tăng nhanh trên toàn thế giới.

2. Đái tháo đường

Đái tháo đường làm gia tăng các bệnh tim mạch (Ảnh: Shutterstock)

“Đại dịch” đái tháo đường đang gia tăng nhanh chóng. Đây là kết luận của một nghiên cứu của Hội đồng Nghiên cứu Y khoa – Bệnh đái tháo đường Ấn Độ (ICMR-INDIAB).

Nghiên cứu cho thấy hiện Ấn Độ đang có hơn 100 triệu người mắc bệnh đái tháo đường và hơn 135 triệu người đang ở giai đoạn tiền đái tháo đường. Đây là con số đáng báo động trong bối cảnh gia tăng các bệnh chuyển hóa trên toàn cầu. Lượng đường trong máu cao sẽ làm hỏng các mạch máu và ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ thần kinh giúp tim hoạt động bình thường.

3. Ngồi nhiều

Việc ngồi quá nhiều một chỗ có thể gây hại cho tim. Khi bạn ngồi, cơ thể sử dụng ít năng lượng hơn khi bạn đứng hoặc di chuyển. Lượng năng lượng tiêu hao ít đi làm gia tăng béo phì – một tình trạng có thể dẫn tới bệnh tim.

Một phân tích từ 13 nghiên cứu về thời gian ngồi và mức độ hoạt động đã phát hiện ra rằng những người ngồi hơn 8 tiếng/ngày và không có hoạt động thể chất nào có nguy cơ tử vong tương tự như nguy cơ tử vong do béo phì và hút thuốc lá.

4. Tập luyện sai cách

Tập thể dục là chìa khóa để có một cơ thể khỏe mạnh. Tuy nhiên những thói quen không lành mạnh như không khởi động trước buổi tập, hạ nhiệt không đúng cách sau khi tập có thể đe dọa tới tính mạng.

Có một số tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nếu không được kiểm soát, phát hiện có thể dẫn tới biến chứng cấp tính về tim khi đang tập luyện. Do đó, hãy luôn lắng nghe dấu hiệu của cơ thể để bảo vệ sức khỏe của trái tim. Đối với những người có các bệnh lý nền, cần tập theo sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Tốt nhất mọi người nên tham khảo ý kiến của các huấn luyện viên thể thao trước khi bắt đầu một bài tập.

5. Huyết áp cao

Huyết áp cao – nguyên nhân hàng đầu dẫn tới bệnh về tim (Ảnh: stpsupport)

Huyết áp tăng cao luôn là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe tim mạch. Tình trạng mắc huyết áp cao cũng đang gia tăng ở những người trẻ tuổi. Đáng tiếc nhiều người trong số họ không nhận thức được điều đó. Theo thống kê của WHO, có khoảng 46% người lớn mắc huyết áp cao nhưng không biết mình mắc tình trạng này.

Huyết áp cao không được điều trị có thể gây nguy hiểm cho tim dù người bệnh ở bất cứ độ tuổi nào. Chính vì thế, để phát hiện sớm huyết áp cao, điều quan trọng là phải kiểm tra huyết áp định kỳ, đặc biệt là những người có nguy cơ cao. Theo WHO, người bị béo phì, ít hoạt động thể chất, có chế độ ăn nhiều muối, uống nhiều rượu bia hoặc có tiền sử gia đình dễ bị cao huyết áp.