Chính phủ sẽ trình dự thảo lên phiên họp quốc hội nhằm sửa đổi các luật liên quan, bao gồm luật kiểm soát nhập cư. Chương trình mới dự kiến sẽ có hiệu lực sớm nhất là vào năm 2027 nếu luật được ban hành.
Dự luật cho phép các thực tập sinh thay đổi chỗ làm trong cùng 1 lĩnh vực với một số điều kiện. Đáng chú ý, thực tập sinh sẽ được bồi dưỡng những kỹ năng cần thiết để chuyển đổi sang hệ thống lao động kỹ năng đặc định, thuận tiện hơn cho việc đăng ký cư trú lâu dài.
Tuy nhiên, để đề phòng trường hợp lao động tìm cách chuyển từ các vùng nông thôn tới thành thị để kiếm mức lương cao hơn, chương trình mới cho phép chính phủ yêu cầu các lao động duy trì 1 chỗ làm trong tối đa 2 năm ở một số ngành cụ thể.
Thông tin về chương trình mới sau cuộc họp Nội các, Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Ryuji Koizumi cho biết: “Chính phủ muốn thu hút các tài năng nước ngoài đến làm việc trong thời gian dài, cải thiện các kỹ năng của họ và quan trọng là ngăn chặn nguy cơ lạm dụng quyền của người lao động”.
Theo Bộ trưởng Koizumi, dự luật mới đóng vai trò quan trọng trong hiện thực hóa một mô hình xã hội toàn diện.
Chương trình Đào tạo thực tập sinh kỹ thuật hiện hành tại Nhật Bản đã được triển khai từ năm 1993. Tuy nhiên, chương trình này vấp phải những luồng ý kiến trái chiều, cho rằng gây nguy cơ biến tướng thành hoạt động nhập khẩu lao động giá rẻ.
Hơn nữa, nhiều thực tập sinh đã phải rời đi vì nhiều lý do như lương thấp và bị lạm dụng vì chương trình cấm thực tập sinh chuyển chỗ làm.
Chương trình mới là điều nhiều thực tập sinh nước ngoài, bao gồm thực tập sinh Việt Nam, mong chờ. Trong số 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản, Việt Nam là nước đứng đầu về số lượng.
Hiện có hơn 200.000 thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản, chiếm khoảng 50% tổng số thực tập sinh nước ngoài tại quốc gia này. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), Việt Nam đưa hơn 80.000 lao động sang Nhật Bản vào năm 2023, vượt mức 68.000 của năm 2022.
Theo Japan Times